Tuổi Thọ Đèn LED Thực Tế Bao Nhiêu Năm?

Trong một nghiên cứu mới đây, các tác giả Đỗ Nguyễn Duy Phương, Đinh Mạnh Tiến, Trịnh Minh Sang ở Trường Đại học Cần Thơ đặt câu hỏi: Tuổi thọ của đèn LED thực tế bao nhiêu năm? Từ đây nêu một số vấn đề về kỹ thuật chiếu sáng.


“Tuổi thọ thật sự của trọn bộ đèn LED bao gồm các linh kiện công suất cấp nguồn có thể đáp ứng khoảng 50.000 giờ hay không để có thể xác định đúng chi phí đầu tư và khâu bảo trì sau lắp đặt. Hơn nữa, đặc tính chiếu sáng của đèn LED có đáp ứng được tiêu chuẩn chiếu sáng công cộng về độ rọi, độ chói, độ đồng đều, hệ số dự trữ”, các tác giả viết trong nghiên cứu.

- Xu hướng sử dụng đèn LED cho chiếu sáng công cộng với các ưu điểm về hiệu suất, tuổi thọ và hiện tại các địa phương ở ĐBSCL cũng đang có kế hoạch dần thay thế các đèn cao áp bằng đèn LED. Tuy nhiên, việc nghiên cứu một cách tổng thể về việc sử dụng các loại đèn này là chưa được thực hiện để có thể xem xét và tăng dần sử dụng đèn LED cho chiếu sáng công cộng. Cho nên, các tác giả đặt vấn đề: “Cần phải có sự phân tích mối tương quan giữa tuổi thọ bóng LED, linh kiện công suất, hiệu suất phát sáng, tiêu chuẩn kỹ thuật chiếu sáng theo TCXDVN:259:2001 và chi phí để có quyết định đầu tư tối ưu”.

- Việc sử dụng đèn LED cho chiếu sáng nói chung và chiếu sáng cộng cộng nói riêng giúp tiết kiệm năng lượng điện là một tất yếu nhưng rõ ràng, cần phải có sự đánh giá so sánh giữa các loại đèn theo cùng một tiêu chuẩn về thiết kế chiếu sáng. Những tiêu chuẩn kỹ thuật cho nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng sử dụng nguồn sáng LED ở các lĩnh vực khác nhau cần cụ thể, đồng bộ để sử dụng nguồn sáng LED vào thực tế chiếu sáng đạt hiệu quả cao.

- Nghiên cứu nêu vấn đề cần quan tâm tiếp theo là tiêu chuẩn kỹ thuật cho chiếu sáng phù hợp với khu vực ĐBSCL, trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hiện tại các quy hoạch chiếu sáng, thi công lắp đặt là gần giống nhau về kỹ thuật giữa các địa phương mà không xét đến điều kiện đặc thù đã thay đổi như trụ đèn không an toàn cho người dân khi ngập nước triều cường, mưa lũ (đã có người bị điện rò từ cột đèn làm tử vong ở Cần Thơ). Các tác giả kiến nghị: “Cần phải xác định lại, lập mô hình mẫu về các loại cột, trụ chiếu sáng, hệ thống cấp nguồn, đấu nối dây dẫn, thiết bị để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn điện trong điều kiện mới cho các hệ thống chiếu sáng. Ngoài ra, một số vấn đề có thể xem xét thêm là nâng cao tiêu chuẩn an toàn điện cho người và thiết bị bằng các thiết bị đóng cắt chống dòng rò trong các tủ điều khiển ngoài hệ thống nối đất hiện nay, vị trí đấu nối dây dẫn nguồn cấp điện cho trụ chiếu sáng thực tế cách mặt đất bao nhiêu, có đủ cao để không bị rò điện hay không”.

- Vấn đề thứ ba được nghiên cứu đề cập là, hiện các thành phố đều mong muốn tiến tới thành phố thông minh, trong đó hệ thống chiếu sáng công cộng phải phát triển tương xứng để có thể tự động hóa đáp ứng nhu cầu của con người theo điều kiện môi trường thay đổi. Hệ thống có khả năng tự cảnh báo lỗi trong hoạt động và tiết kiệm được năng lượng điện. Các thành phố của Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng đã có luật hóa về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như nghị định 21/2011/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành các hệ thống chiếu sáng ở ĐBSCL hiện có xu hướng thực hiện tiết kiệm bằng cách tắt “xen kẽ” đèn chiếu sáng trên đường giao thông là chưa hoàn toàn phù hợp, làm thay đổi đặc tính sử dụng, tạo ra hiệu ứng ánh sáng bậc thang làm người điều khiển phương tiện dễ mất tập trung, thiếu an toàn. “Vậy cần có sự nghiên cứu ứng dụng sao cho vừa tiết kiệm năng lượng vừa đáp ứng đủ nhu cầu chiếu sáng theo từng thời điểm trong ngày bằng các loại ballast điều khiển, đèn hiệu suất tốt, các cảm biến hỗ trợ, trung tâm điều khiển và giám sát”, các tác giả đề xuất.

- Sau cùng là vấn đề quy hoạch chiếu sáng, một công cụ của chiếu sáng bền vững, tiết kiệm năng lượng, hạn chế những ảnh hưởng của chiếu sáng đến môi trường cũng như tạo ra đặc trưng của địa phương. Hiện vẫn còn những địa phương chưa có quy hoạch chiếu sáng hoặc không có nét đặc trưng địa phương, từ đó dẫn đến đầu tư dàn trải, không thống nhất gây lãng phí, gây ô nhiễm nguồn sáng. Bên cạnh, hầu như vẫn để tự phát chiếu sáng đường nhỏ, ngõ, xóm dẫn đến lãng phí điện năng, mất thẩm mỹ và không an toàn. Chiếu sáng quảng cáo, biển báo cũng chưa có quy định rõ ràng làm ảnh hưởng, ô nhiễm đến chiếu sáng giao thông, rất cần được quan tâm trong thời gian tới. “Việc đánh giá hiện trạng này là cần thiết để có những quy hoạch tốt hơn trong tương lai”, nghiên cứu đề xuất.

- Khu vực ĐBSCL với tốc độ phát triển kinh tế hàng năm khoảng 7,5% và có sự dịch chuyển cơ cấu từ nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp nên đang mở rộng nhanh chóng không gian đô thị, nhu cầu chiếu sáng công cộng. Số liệu của Chi hội Chiếu sáng ĐBSCL, hệ thống chiếu sáng công cộng trong vùng đã đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng đô thị đạt 99%, tỷ lệ chiếu sáng ngõ xóm đạt 79%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng đèn cao áp 63%, đèn compact 21%, đèn huỳnh quang 12% và đèn LED 4%. Dựa trên số liệu này thì hiện trạng chiếu sáng đô thị của ĐBSCL về cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh của khoa học kỹ thuật và sự biến đổi điều kiện môi trường, vẫn còn những vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu, giải quyết kịp thời.

Nguồn: anhsangvacuocsong.vn

Bài viết cùng danh mục: