Tiêu Chuẩn Quốc Gia Cho Các Sản Phẩm Chiếu Sáng LED
Một trong những mục tiêu của DA LED Hỗ trợ kỹ thuật để nhà nước ban hành các chính sách, tiêu chuẩn, quy định xây dựng hệ thống các Tiêu chuẩn quôc gia cho các sản phẩm chiếu sáng LED đáp ứng Tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tạo hành lang pháp lý và môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, trợ giúp các nhà sản xuất, kinh doanh, sử dụng các sản phẩm chiếu sáng LED sản xuất trong nước phát triển, chuyên gia Tư vấn trong nước Đoàn Thị Thanh Vân đã có cuộc trao đổi với Phóng viên về những kết quả ban đầu sau gần hai năm triển khai thực hiện Dự án.
Phóng viên (PV): Mục tiêu của DA LED là hỗ trợ cho Chính phủ, Bộ, ngành Việt Nam xây dựng hệ thống các Tiêu chuẩn quôc gia (TCQG) cho các sản phẩm chiếu sáng LED đáp ứng Tiêu chuẩn quốc tế, để có được một bộ TCQG như trên, bà có thể cho biết: Dự án dựa trên cơ sở nào có thể xây dựng hệ thống TCQG đáp ứng được các yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế
đề ra?
Bà Đoàn Thi Thanh Vân (Bà ĐTTV): Công nghệ chiếu sáng LED đang phát triển rất mạnh và dần thay thế các công nghệ chiếu sáng truyền thống. Với tuổi thọ dài và tính linh hoạt trong thiết kế, đèn LED đã thâm nhập vào tất cả mọi ứng dụng trong cuộc sống từ chiếu sáng tập trung, chiếu rọi đến chiếu sáng thông dụng trong gia đình, đến chiếu sáng đường phố và đường hầm, hay chiếu sáng dùng trong các ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, v.v…
Để xây dựng hệ thống TCQG cho các sản phẩm LED, chúng tôi đã căn cứ theo những tiêu chuẩn hóa quốc tế đã ban hành mà các quốc gia đang phổ biến, áp dụng. Các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế và khu vực đã tập trung nghiên cứu và xây dựng khá nhiều tiêu chuẩn phục vụ cho công tác thử nghiệm, xác định tính năng và an toàn của đèn LED, đã có nhiều tiêu chuẩn được ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu:
+ Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC): là một trong ba Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO, IEC, ITU) lớn nhất về quy mô hoạt động, sự tham gia của các quốc gia, tổ chức trên toàn thế giới. Chức năng, nhiệm vụ chính của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC) là tổ chức nghiên cứu, xây dựng và công bố tiêu chuẩn trong lĩnh vực điện và điện tử. IEC đã xây dựng được gần 200 tiêu chuẩn trong lĩnh vực chiếu sáng. Đối với sản phẩm đèn LED, IEC có hơn 30 tiêu chuẩn. Số lượng tiêu chuẩn này vẫn đang còn ít vì đây là lĩnh vực sản phẩm mới cho nên việc công bố tiêu chuẩn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển (vì một dự án xây dựng tiêu chuẩn của IEC thường triển khai trong 48 tháng). Chính vì vậy, hoạt động tiêu chuẩn hóa cho đèn LED rất cần được đẩy mạnh để đáp ứng tốc độ phát triển của ngành công nghiệp đèn LED, hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho hoạt động thương mại tự do loại bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu thúc đẩy tiêu dùng đối với bóng đèn tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
+ Ủy ban Quốc tế về chiếu sáng (CIE): là một tổ chức chuyên môn sâu về kỹ thuật chiếu sáng với sự tham gia của nhiều tổ chức/chuyên gia về kỹ thuật, mỹ thuật và kiến trúc chiếu sáng trên phạm vi toàn cầu. Hầu hết các tiêu chuẩn CIE đều được Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO công nhận thành tiêu chuẩn ISO. Trong số các tiêu chuẩn CIE đã công bố có 02 tiêu chuẩn về đèn LED. Cả hai tiêu chuẩn này đều được quốc tế công nhận và áp dụng rộng rãi. Trong hai tiêu chuẩn này rất đáng quan tâm là tiêu chuẩn CIE S025/E:2015 – Phương pháp thử đối với bóng đèn LED, đèn điện LED và môđun LED. Tiêu chuẩn này do ban kỹ thuật tiêu chuẩn CIE TC2-71, gồm 37 quốc gia thành viên của 5 châu lục tham gia biên soạn. Chính vì vậy mà tiêu chuẩn phương pháp thử này được các cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia và khu vực lựa chọn làm tiêu chuẩn hài hòa cho hoạt động thử nghiệm, đánh giá dán nhãn năng lượng.
+ Hiệp hội kỹ thuật chiếu sáng Hoa kỳ (IES): được Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia Hoa kỳ (ANSI) công nhận là Tổ chức tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực chiếu sáng tại Hoa kỳ (Hoa kỳ là quốc gia có khoảng 400 Tổ chức được công nhận là Tổ chức tiêu chuẩn hóa). Ấn phẩm của IES gồm 87 tiêu chuẩn thuộc 6 nhóm lĩnh vực liên quan đến chiếu sáng: nhóm tiêu chuẩn về Thông lệ khuyến cáo (RP-Recommendation Pratices) nhóm tiêu chuẩn thiết kế chiếu sáng (DG), nhóm tiêu chuẩn về hướng dẫn (G-Guilines), nhóm tiêu chuẩn về kỹ thuật (TM), nhóm đo lường, thử nghiệm (LM).
Tính đến hết năm 2015, Việt Nam đã có 62 tiêu chuẩn về thiết bị chiếu sáng như bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn huỳnh quang compact, bóng đèn LED, bóng đèn sợi đốt, bóng đèn thủy ngân cao áp, đèn điện, balat, bộ điều khiển bóng đèn và phụ kiện khác như đui đèn, đầu đèn, v.v… Các tiêu chuẩn này cũng dựa trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn IEC và đáp ứng hầu hết các nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như thử nghiệm, chứng nhận, kiểm định sản phẩm chiếu sáng.
Qua từng thời kỳ các TCVN tương ứng với các sản phẩm chiếu sáng cũng lần lượt được công bố và áp dụng một cách phổ biến. Các TCVN này lúc đầu được xây dựng theo cách thức tham khảo các tiêu chuẩn nước ngoài như các nước Đông Âu và các tiêu chuẩn quốc tế của Ủy ban kỹ thuật điện Quốc tế (IEC). Trong quá trình tham khảo để xây dựng TCVN có điều chỉnh các chỉ tiêu kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện môi trường sử dụng, năng lực về công nghệ và chất lượng của vật tư, linh kiện.
Sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và nhất là sau khi tham gia Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thị trường thiết bị chiếu sáng trở lên phong phú đa dạng về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và giá cả. Quan điểm về tiêu chuẩn kỹ thuật đã thay đổi. TCVN không còn là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là tài liệu kỹ thuật được áp dung một cách tự nguyện. Với mục tiêu thúc đẩy tự do hóa thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu, tiêu chuẩn quốc gia TCVN được công bố trên cơ cơ sở chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và nước ngoài.
Có thể nói với 62 TCVN hiện hành, hầu hết các TCVN này đều hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế tương ứng, hệ thống TCVN trong lĩnh vực chiếu sáng đến nay đã phủ hầu hết các sản phẩm và các khía cạnh có liên quan đến chiếu sáng.
Tuy nhiên, đối với sản phẩm đèn LED các TCVN đang còn hạn chế. Hiện nay hệ thống tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam mới chỉ có 12 tiêu chuẩn về đèn LED. Các tiêu chuẩn này có thể chia thành 3 loại: Tiêu chuẩn về an toàn, tiêu chuẩn về tính năng và tiêu chuẩn về phương pháp đo.
Việt Nam chưa có tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng cho bóng đèn LED. Lý do của việc này là do LED chưa được đưa vào chương trình dán nhãn năng lượng của Chính phủ, mà hiện nay mới chỉ có bóng đèn huỳnh quang và bóng đèn CFL.
Ngày 9/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 04/2017/QĐ-TTg quy định danh mục, phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất tối thiểu và lộ trình thực hiện. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25/4/2017 và thay thế cho quyết định 51/2011/QĐ-TTg. Theo đó, đèn LED đã được bổ sung vào danh mục nhóm 1 và bắt buộc phải dán nhãn năng lượng kể từ ngày 1/1/2020. Như vậy, giống với các sản phẩm khác, Việt Nam phải chuẩn bị xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về Hiệu suất năng lượng cho đèn LED nhằm phục vụ chương trình dán nhãn năng lượng.
Vì tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng là tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên các nghiên cứu thị trường, khả năng quản lý, trình độ sản xuất và thử nghiệm tại từng quốc gia nên Việt Nam phải khẩn trương thu thập thông tin, nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng cũng như nghiên cứu năng lực thử nghiệm trong nước và đề xuất những thay đổi cần thiết để đáp ứng năng lực thử nghiệm theo tiêu chuẩn quốc gia đó.
PV: Là Chuyên gia, Tư vấn trong nước về lĩnh vực trên, Bà cho biết những kết quả cơ bản ban đầu Dự án LED đạt được sau gần hai năm triển khai
hoạt động?
Bà ĐTTV: Sau gần hai năm triển khai hoạt động trong khuôn khổ dự án, hoạt động nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về đèn LED đã đạt được một số kết quả nhất định. Trước tiên là việc nghiên cứu tổng quan về các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến chiếu sáng LED, đề xuất các tiêu chuẩn quốc gia cần xây dựng và lộ trình xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia này nhằm phục vụ mục tiêu của dự án cũng như đáp ứng sự phát triển công nghệ LED tại Việt Nam. Sau đó, được sự hỗ trợ của Dự án, chuyên gia đã nghiên cứu và đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và công bố 03 tiêu chuẩn quốc gia trong năm 2017 gồm: TCVN 11842:2017 (IES TM-21-11), Dự đoán độ duy trì quang thông dài hạn của nguồn sáng LED; TCVN 11843:2017 (CIE S 025:2015), Phương pháp thử nghiệm bóng đèn LED, đèn điện LED và môđun LED; TCVN 11844:2017, Đèn LED – Hiệu suất năng lượng
Các tiêu chuẩn này đã được nghiên cứu xây dựng dự thảo, trải qua các bước quy định theo quy trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và đang được trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố thành tiêu chuẩn quốc gia. Dự kiến cuối tháng 12 sẽ có quyết định công bố chính thức của Bộ trưởng Bộ Khoa học và
Công nghệ.
– PV: Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc , bất cập trong quá trình triển khai Dự án, Hướng giải pháp khắc phục và thực hiện trong giai đoạn 2 tiếp theo là gì? thưa bà!
– Bà ĐTTV: Trong quá trình triển khai là được sự tham gia nhiệt tình của tất cả các bên liên quan như các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh đèn LED, các phòng thử nghiệm, cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công Thương), chuyên gia tư vấn quốc tế và được sự hỗ trợ sát sao và hiệu quả của ban điều hành dự án, nên rất thuận lợi trong việc thu thập thông tin và thảo luận đưa ra những lựa chọn đúng đắn cho Việt Nam.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng cho đèn LED nên chưa có sẵn các số liệu thử nghiệm về tính năng của đèn LED như công suất, quang thông, tuổi thọ và hiệu suất sáng… Các phòng thử nghiệm trong nước cũng đang trong quá trình đầu tư bổ sung các thiết bị đo kiểm. Bên cạnh đó các thử nghiệm tuổi thọ và độ duy trì quang thông của đèn LED đòi hỏi thời gian rất dài nên việc đưa ra các mức hiệu suất năng lượng gặp đôi chút khó khăn. Việc này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quốc tế cũng như kinh nghiệm của một số nhà sản xuất lớn trong nước.
Do vậy trong thời gian tới, dự án nên tiếp tục triển khai việc giám sát, tuân thủ tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng của các tổ chức thử nghiệm và một số doanh nghiệp đại diện tại Việt Nam để phát hiện những khó khăn và đề xuất sự trợ giúp cần thiết.
Ngoài ra cũng cần có những hội nghị phổ biến tiêu chuẩn cũng như các văn bản pháp quy liên quan đến chương trình dán nhãn đến tất cả các bên liên quan để nắm bắt thông tin và triển khai các hoạt động liên quan của mình nhằm đáp ứng các quy định liên quan đến dán nhãn năng lượng cho đèn LED tại Việt Nam.
PV: Xin cám ơn bà
Nguồn: anhsangvacuocsong.vn